Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng tìm ra giải pháp cho 2 vấn đề này để ngành giấy trong nước có thể phát triển bền vững, đóng góp vào phát triển bền vững chung của ngành Công Thương và nền kinh tế.
Phát triển bền vững ngành giấy gắn liền với kinh tế tuần hoàn
Tại Hội thảo Định hướng phát triển bền vững ngành Công Thương mới đây, ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, ngành giấy đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn và trở thành một trong những ngành phụ trợ quan trọng đối với hầu hết các ngành kinh tế và lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác như sản xuất bao bì, in ấn, trồng rừng, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa xã hội và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, tại Việt Nam, tỷ trọng bao bì giấy đóng góp cho xuất khẩu rất lớn, nhất là các ngành như dệt may, thủy sản, da giày, điện tử… Trong những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm.
Với đặc trưng của ngành, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết luôn chú trọng vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trong đó định hướng xây dựng ngành giấy theo kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp, đặc biệt xem giấy thu hồi là nguồn nguyên liệu sản xuất.
“Khái niệm kinh tế tuần hoàn tương đối mới với doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng ngành giấy vốn dĩ từ xưa đến nay đã là ngành kinh tế tuần hoàn”, ông Đặng Văn Sơn cho biết.
“Chúng tôi chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện thông qua thu gom, tái chế lại giấy để cho ra sản phẩm phù hợp.”
Cụ thể, xuất phát điểm của giấy là từ gỗ rừng trồng và phải có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) khi xuất khẩu, sau đó sản xuất ra các loại giấy.
Giấy sau khi sử dụng lại được thu hồi và tái chế trở lại, chỉ có một số rất ít loại giấy không tái chế được, điển hình là giấy vệ sinh.
Quá trình tái chế có thể diễn ra nhiều lần với các sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng và nhu cầu thị trường, không những sẽ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định.
Hoạt động tái chế trở thành hoạt động kinh doanh từ khâu thu gom tại nguồn phát sinh đến khâu xử lý và tiêu huỷ cuối cùng, vì thế tạo ra giá trị kinh tế từ hoạt động tái chế.
Hiện nay, các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, giải pháp sản xuất sạch hơn đã mang lại lợi ích to lớn về môi trường do tiết giảm tiêu hao năng lượng mang lại, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Điển hình, nước sản xuất đang được áp dụng theo hướng tuần hoàn tái sử dụng, các công nghệ mới giảm điện năng và dùng điện năng lượng mặt trời, hóa chất được cắt giảm....
Hầu hết các sản phẩm giấy đều có thể tái chế (trừ một số loại giấy vệ sinh). Giấy có thể tái chế tối đa 7 lần, sử dụng giấy tái chế làm nguyên liệu sản xuất có thể giảm rất nhiều năng lượng, nước sạch, phát thải... đặc biệt là giảm đi phần xơ sợi nguyên thủy từ cây gỗ mà cần phải trồng 5-7 năm mới có.
Theo đại diện VPPA, vai trò của ngành giấy không chỉ tính bằng giá trị thực tế hiện hữu, mà còn phải tính cả giá trị ở phần phụ trợ cho các ngành khác, đặc biệt là xuất khẩu. Do đó, việc đưa ngành giấy vào diện ưu tiên phát triển trong tổng thể nền kinh tế tuần hoàn trong Đề án phát triển bền vững ngành Công Thương là rất quan trọng.
Giấy tái chế, giấy thu hồi đang bị hiểu sai?
Ông Đặng Văn Sơn cho rằng, một trong những việc quan trọng cần làm hiện nay là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển bền vững trong ngành giấy.
“Như, người ta thường nghĩ rằng sản xuất giấy là phá rừng để lấy cây gỗ, nhưng cần nhấn mạnh rằng, không thể lấy gỗ từ rừng tự nhiên. Bởi giấy chỉ sản xuất được từ một số loại cây từ rừng trồng mà các rừng sản xuất hiện nay thường phải có chứng chỉ phát triển bền vững (FSC)”, đại diện VPPA khẳng định.
Đáng nói, muốn phát triển nền kinh tế tuần hoàn, cần sử dụng nguyên liệu thứ cấp để tái chế, tái sử dụng thành nguồn nguyên liệu chính trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt, trong cơ cấu nguyên liệu sản xuất của ngành giấy thì hơn 70% nguyên liệu đầu vào của ngành giấy đều là giấy tái chế, giấy thu hồi. Từ nguồn giấy này, ngành giấy qua các khâu để sản xuất thành bột giấy, sản xuất ra giấy thành phẩm.
Do vậy, cần nhận thức đúng về giấy tái chế / giấy thu hồi và vai trò nguyên liệu quan trọng của nó, thay vì coi là phế liệu như nhiều người vẫn lầm tưởng.
“Ở thế giới người ta không nhận thức giấy qua sử dụng là phế liệu. Họ xem đó là nguyên liệu thứ cấp, một loại tài nguyên. Như ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản... phân loại rõ từng loại giấy đã qua sử dụng như OCC (old corrugated container) tức giấy hòm hộp cũ, ONP (Old News Paper) tức giấy báo cũ...”.
Do vậy, theo VPPA, có hai vấn đề cần được nhanh chóng giải quyết nếu muốn phát triển ngành giấy thành một ngành kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững thực sự.
Một là, cần xem xét lại việc phân loại về nguyên liệu thứ cấp và phế liệu để phân biệt rõ hai khái niệm này, tránh nhầm lẫn trong công tác xây dựng chính sách và truyền thông đại chúng để người dân, doanh nghiệp có cái nhìn đúng về giấy tái chế phục vụ sản xuất.
Hai là, cần triển khai nhiều hơn nữa các giải pháp khuyến khích, tăng cường thu gom tái chế và tái sử dụng, đặc biệt có thể xây dựng các văn bản dưới luật để tạo một hành lang pháp lý dày dặn kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội vào vấn đề này.
Theo tapchicongthuong.vn